Liệu chúng ta sẽ phải trải qua một giai đoạn lạm phát đình đốn như những năm 1970s khi mà những số liệu về vĩ mô tháng 03.2024 cho thấy:

Tăng trưởng GDP quý 1/2024 của Mỹ chỉ còn 1,6%, thấp hơn con số dự báo 2,5% và thấp hơn khá nhiều con số 3,4% của quý 4/2023. Đồng thời, core PCE quý 1 đã tăng từ 2% lên mức giật mình 3,7%.

Tuy nhiên theo quan điểm cá nhân của mình sẽ không có Stagflation mà có lẽ chúng ta đang hơi lo lắng quá. Giờ ta hãy thử bóc tách kỹ hơn về số liệu cũng như so sánh với những thời điểm xảy ra Stagflation trong quá khứ.

Bối cảnh những năm 1970s

Trước năm 1970s những nhà kinh tế học vẫn cho rằng lạm phát và thất nghiệp luôn có mối quan hệ ngược chiều. Tuy nhiên cú sốc giá dầu đã thay đổi tất cả.

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 bắt đầu khi các nước thuộc Tổ chức các quốc gia Ả Rập xuất khẩu dầu mỏ tuyên bố ban hành lệnh ngừng sản xuất dầu mỏ sang các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, cụ thể ở đây là nước Mỹ. OPEC nâng giá dầu 70% lên mức $5.11/thùng.

Trước đó ngân sách CP Mỹ đã thâm hụt nặng trong cuộc chiến tranh VN cộng với nền kinh tế Mỹ trải qua cuộc suy thoái từ 1969 – 1971. Điều này cho thấy trước khủng hoảng 1973 nền kinh tế Mỹ cũng đang khá yếu ớt vì mới ốm dậy. Do vậy cú shock do bị cấm vận dầu mỏ khiến nền kinh tế Mỹ gục ngã lần nữa khi Core CPI Mỹ năm 1974-1975 vọt lên mức 8.3% và 9.1% trong khi GDP giảm lần lượt -0.5% và -0.2%.

Lúc này các nhà kinh tế học đã chấp nhận hi sinh tăng trưởng để kiềm chế lạm phát. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Paul Volcker đã nâng lãi suất cơ bản đã lên mức 13% để đạt được mục tiêu này. Nghe có vẻ khá giống giai đoạn vừa rồi của Mẽo.

Chính sách này tương đối thành công khi lạm phát hạ nhiệt nhưng nền kinh tế đi vào suy thoái mất 2 năm 1974 – 1975. Đến năm 1976 GDP mới bắt đầu hồi phục (+5.4%) và Core CPI chỉ còn tăng (+6.5%) so với mốc (+9.1%) năm trước đó.

Tóm lại bối cảnh Stagflation những năm 1970s xảy ra khi nền kinh tế vẫn đang hồi phục yếu sau vũng lầy chiến tranh ở VN (Chính phủ khi đó đang ưu tiên tăng trưởng). Nhưng ngay sau đó dính cú shock cung vì xung đột Chính trị tại vùng vịnh khiến giá dầu tăng 70% chỉ trong một thời gian ngắn. Chính sách tiền tệ bị xoay chiều đột ngột sang ưu tiên kiềm chế lạm phát khiến các thành phần trong nền kinh tế bị “thiếu oxy” khi sống trong môi trường lãi suất cao.

Quay trở lại bối cảnh hiện nay: (Liệu có giống những năm 1970s?)

Lạm phát

Xu hướng CPI US tháng 3 có dấu hiệu nhích tăng nhẹ (+3.5% yoy) so với tháng trước đó (+3.2%), nhưng nhìn chung xu hướng vẫn đang đi ngang sau khi tạo đỉnh vào tháng 6/2022 (+9.1%).

Nếu chúng ta bóc tách kỹ nguyên nhân gây nên việc CPI US tháng 03 tăng thì chủ yếu là do:

- Giá cho thuê nhà (+5.7%) chiếm 36.2% tỷ trọng rổ CPI

- Giá dịch vụ vận tải tăng (+10.7%) chiếm tỷ trọng 6.4% rổ CPI (trong đó đặc biệt phải kể đến mức tăng phí bảo hiểm xe cộ (+22.2%)).

- Giá lương thực và năng lượng (chiếm tổng tỷ trọng khoảng 20% rỏ CPI) trong tháng 03 chỉ tăng lần lượt là +2.2% và +2.1%.

Như vậy có thể thấy lạm phát tháng 03 của Mỹ chủ yếu là do giá cho thuê nhà và giá bảo hiểm xe cộ. Đây là những thành tố mà theo cá nhân mình, chính phủ Mỹ có thể chủ động can thiệp được.

Những yếu tố ngoại sinh mà Mỹ khó có thể kiềm chế như giá dầu hay giá lương thực hiện nay cũng tương đối êm ả. Giá dầu hiện nay cũng đang có xu hướng giảm nhẹ và ở mức dưới 80$/ thùng. Khác với sự kiện lạm phát đình đốn những năm 1970s. Giá dầu tăng do xung đột và Mỹ không thể kiểm soát yếu tố này.

=> Do vậy chúng ta không nên quá lo ngại về xu hướng lạm phát nếu không có biến cố nào bất thường như xung đột Chính trị ở vùng vịnh khiến giá dầu tăng hay một sự kiện như nào đó như covid gây shock cung hàng hoá – cái mà chúng ta cũng không thể dự đoán được.

Nên cá nhân mình tin rằng CPI US tháng 4 được ra vào tối tay cũng sẽ không có gì tác động lớn với thị trường.

Nền kinh tế đình đốn?

GDP Mỹ Q1 chỉ tăng 1.6% thấp hơn khá nhiều so với kỳ vọng. Nhưng nếu bóc tách kỹ các cấu phần GDP chúng ta thấy:

- Tốc độ tăng trưởng GDP sụt giảm chủ yếu do tốc độ giảm của Xuất nhập khẩu trong Q1. Xuất khẩu chỉ tăng 0.9% trong khi nhập khẩu tăng 7.2% kéo GDP Mỹ chậm lại. Tuy nhiên yếu tố này có thể mang tính thời điểm vì trong quá khứ đã nhiều lần như vậy.

- Tăng trưởng chi tiêu dù chậm nhưng vẫn là động lực chính của nền kinh tế (xu hướng này khả năng cũng vẫn sẽ chậm trong các quý tới lại do nợ cao, lãi suất cao và tiết kiệm giảm sẽ khiến chi tiêu hạn chế hơn). Cần quan sát kỹ yếu tố này.

- Tốc độ tăng trưởng đầu tư tư nhân tiếp tục được cải thiện trong quý. Chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thiết bị và đặc biệt là đầu tư vào nhà ở (+13.9%) do nhu cầu cao, nguồn cung ít và đầu tư để bù đắp cho mặt bằng lãi suất cao.

- Chi tiêu chính phủ vẫn đóng góp vào tăng trưởng GDP nhưng tốc độ tăng trưởng giảm do giảm chi tiêu cho quốc phòng.

Ngoài ra một số chỉ tiêu về đơn trợ cấp thất nghiệp cũng đang có xu hướng tăng những tháng gần đây cho thấy khả năng tốc độ tăng trưởng GDP sẽ duy trì ở mức thấp. Không muốn nói đến khả năng có một cuộc suy thoái vào cuối năm. Nhưng nếu có suy thoái sẽ là một cú trigger để FED hạ lãi suất cũng như lạm phát rơi về mức kỳ vọng.

=> Kết luận: Nếu không có diễn biến bất thường về xung đột Chính trị dẫn đến giá dầu tăng hoặc có một sự kiện nào đó làm shock cung khiến giá hàng hóa tăng thì sẽ khó làm lạm phát tăng vọt. Tuy nhiên với xu hướng chi tiêu giảm do lãi suất cao, một vài chỉ tiêu về thất nghiệp thời gian gần đây đang có xu hướng tăng nên khả năng chúng ta sẽ đối mặt với một giai đoạn GDP tăng trưởng ở mức thấp.

Do vậy: Lạm phát hạ nhiệt và GDP tăng trưởng chậm thì có nhưng lạm phát đình đốn thì theo mình là không.

Một vài quan điểm cá nhân để anh chị em tham khảo.

 

=> Đăng ký tham gia khóa học Truy Tìm Siêu Cổ: Khám phá công thức lựa chọn chính xác cổ phiếu có khả năng mang lại lợi nhuận bằng lần cùng với quy trình đầu tư đã được kiểm chứng. Đăng ký tại link: https://takeprofit.vn/khoa-hoc/truy-tim-sieu-co