Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta, với nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Trung Quốc,... Sau năm 2023 đầy khó khăn, đặc biệt là giai đoạn đầu năm, liệu kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dệt may có cái thiện, đặc biệt khi tình hình kinh tế tại các thị trường xuất khẩu đã hồi phục và lượng đơn hành có dấu hiệu tăng lên? Mời anh/chị cùng TechProfit cập nhật qua bài viết dưới đây.

Kết quả kinh doanh ngành dệt may

  • Ngành dệt may trong quý 1/2024 đã có sự hồi phục tích cực so với giai đoạn cùng kỳ 2023 đầy khó khăn. Cụ thể, tổng doanh thu của toàn ngành dệt may (với 31 doanh nghiệp trong ngành đã công bố báo cáo tài chính) là 15.576 tỷ đồng, tăng 2% so với quý đầu tiên của năm trước. Sự cải thiện trong doanh thu được đóng góp bởi kim ngạch xuất khẩu đạt 9.5 tỷ USD, tăng 9.6% YoY nhờ các thị trường xuất khẩu lớn của hàng dệt may Việt Nam đều tăng trưởng khá.

  • Tuy vậy, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành lại có sự phân hóa rõ rệt. Một số doanh nghiệp lớn có kết quả kinh doanh cải thiện nhờ vào việc các đơn hàng lớn được duy trì, tiêu biểu như TCM (doanh thu +7% YoY), MSH (+20% YoY), GIL (+41% YoY). Trái lại, cũng không ít doanh nghiệp lại có kết quả đi lùi như STK (doanh thu -8% YoY) hay VGT (-6% YoY). Sự phân hóa trong kết quả kinh doanh đã khiến lợi nhuận sau thuế toàn ngành chỉ đạt 339 tỷ đồng, giảm 2,6% so với cùng kỳ và giảm 28,5% so với quý liền trước.

 

=> Đăng ký Khóa Học Phân Tích Cơ Bản Đặc Biệt - Khám Phá 3 YẾU TỐ TĂNG GIÁ CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG. Link Đăng ký: https://forms.gle/ubTf2avRRCgte7VG8

Kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp dệt may nổi bật

TCM - Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công

  • TCM là một trong số những doanh nghiệp ngành dệt may có kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý 1/2024 với 934 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% so với cùng kỳ. Mảng may mặc và dệt may vẫn đóng vai trò quan trọng nhất với 98% tổng doanh thu. Sau khi trừ đi các chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này là 62 tỷ đồng, tăng 7% so với quý 1/2023 và là mức cao nhất kể từ quý 4/2022.

  • Trong giai đoạn sau của 2024, tình hình đơn hàng của TCM cũng là yếu tố quan trọng và kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh thu của doanh nghiệp khi lượng đơn hàng quý II đã xác nhận được 85%, quý III nhận được 80%. Được biết, vào tháng 01/2024, TCM và Tập đoàn Eland (Hàn Quốc) đã có thỏa thuận để thực hiện đơn hàng 10 triệu sản phẩm may, gấp đôi so với năm trước.

MSH - Công ty Cổ phần May Sông Hồng

  • CTCP May Sông Hồng (MSH) là 1 trong những doanh nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng nhất với 21% (YoY), đạt 770 tỷ đồng nhờ công ty ký thêm được nhiều đơn hàng trong quý 1. Tuy cải thiện tốt so với cùng kỳ, nhưng so với 3 tháng liền trước, đây lại là mức doanh thu thấp nhất.
  • Trong quý 1, giá vốn hàng bán tăng khiến biên lợi nhuận gộp thu hẹp nhẹ còn 12% (tương đương cùng kỳ và giảm so với mức 14% của quý trước), nhưng nhờ doanh thu tài chính tăng gấp đôi, đạt gần 45 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đã đạt 62 tỷ đồng, tăng 60%. Lợi nhuận sau thuế của MSH trong quý 1/2024 đạt 52 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ.

STK - Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ

  • Doanh thu của STK quý 1/2024 ghi nhận 266 tỷ đồng, giảm 8% YoY và giảm quý thứ 4 liên tiếp do tình trạng thiếu hụt đơn hàng kéo dài. Biên lợi nhuận gộp của STK trong giai đoạn 2023 có sự cải thiện đáng kể (ở mức từ 14-16%) nhờ giá hạt PET chip đầu vào ở mức thấp, tuy nhiên giảm còn 12% trong quý 1 vì chi phí vận chuyển đang có xu hướng tăng mạnh gần đây do tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ.
  • Chi phí tài chính tăng mạnh lên 18 tỷ đồng và có thể tiếp tục phải chịu nhiều áp do doanh nghiệp gia tăng nợ vay lớn để tài trợ dự án nhà máy Unitex. Doanh thu sụt giảm, biên lợi nhuận thu hẹp và chi phí tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế của STK giảm về mức rất thấp, chỉ 1 tỷ.

  • Vì nằm ở khâu thượng nguồn trong chuỗi giá trị, mảng sợi thường là mảng chịu ảnh hưởng đầu tiên khi ngành suy thoái và cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi sớm nhất. Với việc là doanh nghiệp hàng đầu ở khâu thượng nguồn về sản xuất sợi, STK sẽ được kỳ vọng hưởng lợi và phục hồi sớm hơn các doanh nghiệp cùng ngành. Bên cạnh đó, dự án nhà máy Unitex sớm hoàn thành cũng sẽ góp phần giúp gia tăng công suất của doanh nghiệp.

 

Ngành dệt may đang có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy sự hồi phục sẽ trở lại, khi mà tình hình kinh tế ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, Hàn, Nhật,... đều có dấu hiệu khởi sắc, lượng đơn đặt hàng từ đó cũng tăng dần. 1 số doanh nghiệp lớn như TCM, TNG, MSH đã ký kết được các hợp đồng lớn, làm động lực duy trì doanh thu trong các quý tới. Nhìn chung, ngành dệt may chưa thể có sự bứt phá, nhưng sẽ dần dần hồi phục trong giai đoạn tiếp theo của năm 2024.

 

=> Xem thêm: Hướng dẫn sử dụng công cụ dòng tiền ngành - Nhận biết dòng tiền thông minh để đón đầu xu hướng