CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vận tải biển tại Việt Nam, với các mảng hoạt động chính gồm khai thác cảng, vận tải hàng hóa đường thủy và kho bãi container. Trải qua 1 năm 2023 khó khăn chung của ngành vận tải và cảng biển, liệu cổ phiếu HAH có lợi thế gì để đón đầu sự hồi phục trong năm 2024 tới. Mời anh/chị cùng TechProfit nhận định.
Tổng quan doanh nghiệp
CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vận tải biển và là 1 trong số ít công ty logistics tại Việt Nam có cả năng lực cảng và vận chuyển. Doanh nghiệp hiện đang hoạt động trong những lĩnh vực chính liên quan tới khai thác container bao gồm: khai thác cảng, vận tải hàng hóa đường thủy và kho bãi container. Bên cạnh đó, HAH cũng sở hữu đội tàu biển container lớn nhất Việt Nam hoạt động linh hoạt giữa các tuyến trong và ngoài nước.
Báo cáo tài chính HAH
Kết quả hoạt động kinh doanh
- Doanh thu của HAH trong Q3/2023 ghi nhận 681 tỷ đồng, tăng 11% MoM, nhưng giảm 12% YoY. Chủ yếu vì doanh từ hoạt động khai thác tàu (mảng hoạt động đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu) sụt giảm 11% so với cùng kỳ do nhu cầu vận chuyển hàng hoá đã suy giảm đáng kể từ đầu năm 2023, dẫn đến tình trạng dư cung toàn cầu. Mặt khác, do chi phí nhiên liệu tăng kéo giá vốn tăng đã làm cho biên lợi nhuận gộp của HAH trong quý 3 và 9 tháng đầu năm nói riêng giảm còn khá thấp so với mức nền cao của cùng kỳ, trong Q3/2023 chỉ đạt 23%.
- Doanh thu tài chính tăng gần gấp đôi so với Q3/2022, đạt 11 tỷ do trong quý 3 HAH ghi nhận 5 tỷ từ cổ tức, lợi nhận được chia. Tuy nhiên chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) vẫn ở mức khá cao, 19,5 tỷ, +22% YoY) do các khoản vay mới vào năm trước để tài trợ cho việc mua tàu.
- Lợi nhuận sau thuế của HAH ghi nhận 106 tỷ, giảm 52% so vs mức nền cao của cùng kỳ và tăng 9% so với quý trước. Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của HAH, đặc biệt là mảng vận tải biển vẫn còn khá khó khăn trong bối cảnh ảm đạm chung của thế giới.
=> Đăng ký tham gia Webinar Đánh giá xu hướng thị trường năm 2024. Bật mí cơ hội và kiếm lợi nhuận trên thị trường năm 2024. Thời gian diễn ra vào 21h - 22h30 tối thứ năm, 04/01/2024. Link đăng ký: https://techprofit.sg.larksuite.com/share/base/form/shrlgy1ksfRwbkmFgMWnY7GWDAb
Bảng cân đối kế toán của HAH
- Tổng tài sản: Cơ cấu Tổng tài sản của HAH không có quá nhiều sự biến động so với các kỳ trước. Tài sản cố định vẫn là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất vs 50% tổng tài sản, chủ yếu là các đội tàu của doanh nghiệp. Khoản mục này cũng có sự tăng mạnh vào giai đoạn trước đó khi HAH mua thêm các tàu mới để mở rộng đội tàu. Tỷ lệ Tiền/Tổng tài sản không quá cao, nhưng vẫn giữ ở mức an toàn 8,5%. Nhìn chung, cơ cấu tài sản của HAH không rủi ro và khá phù hợp với đặc điểm hoạt đông kinh doanh.
- Tổng nguồn vốn: Tỷ lệ Nợ vay/TTS của HAH là 22%, trong đó nợ vay dài hơn chiếm phần hơn với 830 tỷ đồng, tương đương 16% tổng nguồn vốn, chủ yếu để tài trợ cho các dự án mở rộng đội tàu. HAH đã ký hợp đồng đóng 3 tàu loại 1.800 TEUS vào năm 2021, với chiếc tàu đầu tiên đã được bàn giao vào cuối năm 2023 và 2 chiếc còn lại vào 2024. Với tổng giá trị hợp đồng khoảng 2.000 tỷ, HAH đã lên kế hoạch gia tăng thêm nợ vay. Điều này sẽ tạo áp lực lớn hơn về chi phí lãi vay cho doanh nghiệp.
Triển vọng của HAH
Giá cước vận tải chưa thể phục hồi mạnh mẽ trong 2024
Giá cước cho thuê tàu và vận tải container trên thị trường thế giới đã trải qua sự chững lại và giảm từ nửa sau năm 2022. Tính từ đầu năm 2023, giá cước đã bắt đầu hình thành đáy và đang ở mức thấp nhất qua nhiều năm. Nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng của lạm phát, suy thoái kinh tế khiến thị trường xuất nhập khẩu trở nên ảm đạm và dư cung tàu sau giai đoạn đỉnh chu kì của giá cước.
Tình trạng dư cung vẫn có thể kéo dài tới đầu năm 2024, khiến giá vận tải container chưa thể phục hồi mạnh mẽ do tình trạng cung vượt cầu trên thị trường. Tuy vậy, cước vận tải biển khó có thể giảm sâu hơn và sẽ hồi phục chậm rãi khi lạm phát ở Mỹ và EU hạ nhiệt, cùng với các yếu tỗ vĩ mô tích cực thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng toàn cầu, giảm tồn kho và cải thiện nhẹ giá cước vận tải. Hoạt động mảng vận tải biển của HAH cũng sẽ được kỳ vọng phục hồi theo giá cược trong năm 2024.
HAH sở hữu đội tàu lớn
HAH là doanh nghiệp sở hữu năng lực vận tải biển lớn nhất Việt Nam, đây cũng là mảng hoạt động đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu với hơn 80%. Đến hết năm 2022, đội tàu container của HAH có 11 tàu tổng sức chở đạt gần 16.000 TEU, chiếm gần 40% sức chở trong ngành vận tải container tại Việt Nam, với độ tuổi trung bình là 16,3 năm. Việc sở hữu đội tàu trẻ và hàng đầu giúp HAH:
- Đảm bảo duy trì cung cấp lịch tàu ổn định, đa dạng các điểm đón và trả hàng với các khách hàng lớn. Hiện nay, HAH đang làm đại lý tại Việt Nam cho hãng tàu SM Line của Hàn Quốc. Doanh nghiệp còn duy trì vận chuyển hàng hóa và dịch vụ bốc xếp với các hãng tàu lơn khác như Ocean Network Express, Pendulum Express Lines, Cosco Shipping Lines,...
- Có khả năng cân đối nguồn hàng, giảm thiểu chi phí và tránh được bối cảnh dư cung tàu khi HAH có thể linh hoạt đội tàu giữa hai hình thức cho thuê định hạn và tự khai thác.
- Đội tàu trẻ sẽ giúp HAH còn nhiều dư địa và tiềm năng tăng trưởng, cũng như có sự canh tranh nổi bật với các đối thủ cùng ngành khi thị trường xuất nhập khẩu hồi phục trở lại.
HAH tiếp tục mở rộng đội tàu
Cuối năm 2023, HAH đã nhận chiếc tàu đầu tiên trong 3 tàu loại 1.800 TEUS được đóng bởi HuangHai Shipbuilding trong hợp đồng ký năm 2021. Dự kiến, chiếc tàu này sẽ bắt đầu hoạt động vào Q1/2024 và giúp gia tăng khoảng 10% sức chở tối đa của đội tàu. 2 chiếc tài còn lại sẽ được bàn giao và đi vào hoạt động trong năm 2024, khi đó sẽ đem lại tác động rõ rệt hơn tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Chiến lược đầu tư mở rộng đội tàu của HAH không chỉ nâng cao công suất hoạt động mà còn giúp doanh nghiệp giữ vững ưu thế so với các đối thủ trong ngành. Với đội tàu mạnh mẽ và đội tàu trẻ hóa, HAH có khả năng chủ động đón đầu và hưởng lợi từ sự hồi phục của thị trường một cách hiệu quả nhất.
Tuy vậy, để tài trợ cho việc mở rộng đội tàu, HAH đã có kế hoạch gia tăng đòn bẩy tài chính. Đầu tháng 12, HĐQT HAH đã phê duyệt khoản vay hơn 330 tỷ đồng từ VCB với thời hạn 8 năm để tài trợ cho chiếc tàu container đầu tiên này. Doanh nghiệp cũng lên kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi 500 tỷ đồng để huy động 1 phần vốn cho 2 tàu còn lại, khiến nợ vay của doanh nghiệp tăng cao và gia tăng chi phí lãi vay.
Tháng 12 vừa rồi, HAH đã thông báo mua lại cổ phần của CTCP Dịch vụ Cảng Lưu Nguyễn Cái Mép (LN-CM), với trị giá 124,4 tỷ đồng (51% vốn điều lệ). Việc mua lại này là một phần trong chiến lược của HAH nhằm mở rộng dịch vụ logistics và cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải. Đây sẽ là câu chuyện cần theo dõi thêm trong thời gian tới, khi HAH có những thông tin và kế hoạch cụ thể hơn đối với hoạt động này.
Các doanh nghiệp vận tải biển nói chung và HAH nói riêng đã trải qua một năm 2023 đầy khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, xuất nhập khẩu giảm sút và tính trạng cung vượt cầu khiến cho giá cước vận tải giảm mạnh. Bước sang 2024, mặc dù chưa thể trở lại mạnh mẽ, nhưng câu chuyện xuất nhập khẩu và giá cước vẫn được kỳ vọng sẽ có sự hồi phục. Và HAH, với vị thế là doanh nghiệp sở hữu đội tàu vận tải lớn hàng đầu Việt Nam, cùng những chiến lược về mở rộng đội tàu hay mở rộng dich vụ khai thác cảng sẽ có thể tận dụng tối đa lợi thế để đón đầu những cơ hội của sự phục hồi này.
=> Xem thêm: #6. Hướng dẫn sử dụng công cụ Phân Tích Cổ Phiếu - Đánh giá tổng quát sức mạnh cổ phiếu