2023 là 1 năm khó khăn chung của nền kinh tế Việt Nam và thế giới. Trong bối cảnh đó, rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau đã bị ảnh hưởng, đặc biệt là các công ty xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế. Vĩnh Hoàn (VHC) chính là 1 doanh nghiệp như vậy. Với vị thế là DN hàng đầu ngành thuỷ sản và xuất khẩu cá tra lớn nhất vào thị trường Mỹ, liệu kết quả hoạt động kinh doanh của VHC trong giai đoạn vừa qua thế nào, triển vọng sắp tới trong năm 2024 liệu có tươi sáng? Xin mời anh/chị cùng TechProfit nhận định.
Tổng quan doanh nghiệp
Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) là doanh nghiệp hoạt động trong ngành thủy sản, chuyên nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra và các mặt hàng giá trị gia tăng từ cá tra. VHC sở hữu chuỗi giá trị khép kín tự chủ gần như toàn phần, là doanh nghiệp đầu ngành và luôn giữ vững vị thế top 1 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ.
Vĩnh Hoàn hiện đang hướng tới mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn với phương châm “Zero waste”, nghĩa là tạo ra sản phẩm từ mọi bộ phận của con cá tra, giúp giảm giá thành và nâng cao tỷ suất lợi nhuận. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam thành công sản xuất Collagen và Gelatin từ da cá tra.
Kết quả kinh doanh của VHC
Kinh doanh tiếp tục khó khăn do giá bán suy giảm
- Quý 4 năm 2023, kết quả kinh doanh của VHC được kỳ vọng sẽ tươi sáng hơn nhờ hoạt động xuất khẩu phục hồi. Tuy vậy, doanh thu thuần của VHC quý 4/2023 giảm 3% YoY và 11% QoQ, ghi nhận 2.396 tỷ đồng, do giá cá tra bán bình quân thấp hơn dự kiến. Luỹ kế 2023, tổng doanh thu đạt 10.078 tỷ đồng, giảm 25% so với 2022 trong bối cảnh khó khăn chung của ngành khiến sản lượng và giá xuất khẩu cá tra đều giảm xuống mức thấp.
- Mặc dù quý được coi là mùa cao điểm xuất khẩu, nhưng doanh thu sản phẩm cá tra - sản phẩm chủ lực của VHC (đóng góp vào 56% tổng doanh thu) vẫn giảm đáng kể 12% YoY và 16% QoQ. Các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc đều ghi nhận doanh thu giảm. Nguyên nhân là mặc dù sản lượng bán hàng tăng nhưng giá bán cá tra vẫn ở mức thấp, giảm 30% so với cùng kỳ. Ngược lại, thị trường nội địa là điểm sáng cho VHC với tăng trưởng doanh thu 18% (YoY), chủ yếu đến từ sản phẩm gạo.
- Biên lợi nhuận gộp quý 4 của VHC thu hẹp so với cùng kỳ và cả các quý trước, chỉ ở mức 8%, sau khi giá bán cá tra bình quân giảm 30% (YoY). Lợi nhuận gộp trong quý 4 cũng giảm còn 195 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế quý 4 đạt 48 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ và 75% so với quý 3. Biên lợi nhận ròng cũng ở mức thấp 3%. Tính cả năm 2023, lợi nhuận ròng của VHC ghi nhận 896,5 tỷ đồng, giảm 54% so với 2022.
Cơ cấu tài chính: Hàng tồn kho vẫn ở mức cao do nhu cầu tiêu thụ kém
- Hàng tồn kho là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất với 3.618 tỷ, tương đương 30,65% tổng tài sản và có xu hướng tăng kể từ Q4/2022 do nhu cầu tiêu thụ yếu ớt. Mặc dù đã giảm so với quý 3, nhưng nhìn chung hàng tồn kho của VHC vẫn ở mức cao so với các giai đoạn trước đó.
- Khoản phải thu chiếm 13,4% tổng tài sản với 1.584 tỷ đồng, giảm đáng kể so với quý liền trước cho thấy doanh nghiệp đang tăng cường quản lý khoản phải thu trong bối cảnh HĐKD khó khăn. Tỷ lệ Tiền/Tổng tài sản cũng được giữ ở mức an toàn là 20%.
- Tỷ lệ Nợ vay/Tổng tài sản của VHC giảm dần kể từ đầu năm, ở mức an toàn 19,14% trong quý 4. Nợ vay chủ yếu là nợ vay ngắn hạn với 2.200 tỷ đồng, nợ vay dài hạn chỉ chiếm tỷ trọng bé với 100 tỷ. Nhìn chung, VHC có cơ cấu tài chính an toàn và lành mạnh.
=> Tối ưu hóa lợi nhuận trong giao dịch cùng giải pháp Tư Vấn & Khuyến Nghị của Tech Profit - Đón đầu những cơ hội tốt nhất với tính an toàn cao trên thị trường. Đăng ký ngay tại: https://takeprofit.vn/tu-van-khuyen-nghi
Triển vọng doanh nghiệp
Giá bán cá tra tiếp tục xu hướng giảm
- Từ tháng 8/2023, khối lượng cá tra xuất khẩu đã tăng trưởng dương nhưng giá bán cá tra vẫn thấp và tiếp tục xu hướng giảm khiến cho giá trị xuất khẩu tăng trưởng âm trong năm vừa rồi. 1 số thị trường chủ lực như Mỹ, giá xuất khẩu giảm 20-40% (YoY), hay Trung Quốc và EU, giá xuất khẩu giảm 10-20% (YoY).
- Về kim ngạch xuất khẩu, dù có có tín hiệu tích cực vào cuối năm nhưng nhìn chung tình hình xuất khẩu cá tra vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt hơn 155 triệu USD, tăng 6% YoY. Tuy nhiên, luỹ kế 11 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt gần 1,7 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022. Bước sang tháng 12, con số này là 158,8 triệu USD và chỉ tăng 5% so với cùng kỳ dù xuất khẩu cá tra trong tháng 12 này dù đạt 74,5 nghìn tấn, tăng 17% YoY. Với các thị trường xuất khẩu, ngoại trừ Nam Mỹ, thì các thị trường khác như Mỹ, Trung Quốc, EU, Trung Đông đều tăng về khối lượng, nhưng kim ngạch chỉ tăng ở mức thấp hơn, thậm chí giảm so với cùng kỳ.
Hình ảnh: Xuất khẩu cá tra Việt Nam tháng 12/2023 (Nguồn: AgroMonitor)
- Nguyên nhân của tình trạng này là do hàng tồn kho ở các nước nhập khẩu vẫn còn nhiều, cùng với lạm phát kéo dài khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân sụt giảm, sức mua suy yếu, dẫn đến khối lượng vẫn ở mức thấp và giá bán giảm. Với thị trường Mỹ, tình trạng này có thể còn tiếp tục kéo dài trong nửa đầu năm 2024 dẫn đến tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sụt giảm mạnh. Trong khi các thị trường khác như EU, áp lực từ lạm phát dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao, giá bán cá tra vẫn chưa có tín hiệu hồi phục. Từ đó có thể thấy, câu chuyện hồi phục của xuất khẩu cá tra trong đầu năm 2024 đang đầy thách thức.
Nguồn cung cá tra giảm - Xuất khẩu kỳ vọng phục hồi trong 2024
- Nguồn cung cá tra 2024 được dự đoán ở mức thấp do giá cá nguyên liệu thấp sẽ không khuyến khích các hộ nông dân mở rộng nuôi trồng trong bối cảnh xuất khẩu phục hồi chậm, cùng với nguồn cung cá giống toàn ngành bị thiếu hụt do ảnh hưởng thời tiết bất lợi khiến cá giống bị hao hụt lớn. Sau khi giảm giá liên tiếp từ đầu năm ngoái thì hiện tại giá cá tra nguyên liệu đang ở mức thấp 27.000 đồng/1kg dù đã có sự phục hồi nhẹ so với cuối 2023. Nguyên nhân là do xuất khẩu giảm sút, tạo áp lực giảm giá cá nguyên liệu xuống dưới mức giá thành nuôi trồng khoảng 1.000 - 2.000 VNĐ/kg từ cuối Q2/2023. Tình trạng này có thể kéo dài đến hết Q1/2024 do nhu cầu cá tra tại các thị trường phục hồi chậm sẽ chưa thúc đẩy giá cá nguyên liệu phục hồi mạnh và chu kỳ nuôi cá tra thường kéo dài từ 6 - 8 tháng.
Hình ảnh: Giá cá tra nguyên liệu size 800gr-1,1kg/1 con tại ĐBSCL (Nguồn: AgroMonitor)
- Trong khi đó, nhu cầu cá tra tại các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ bắt đầu ghi nhận sự phục hồi tích cực hơn từ Q2/2024 nhờ tồn kho cá tra giảm từ Q4/2023 và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng trong năm 2024 sẽ cải thiện hơn so với năm 2023 dolạm phát thực phẩm giảm và tăng trưởng thu nhập thực, kết hợp với yếu tố mùa vụ (thời điểm lễ Noel và năm mới). Khi nguồn cung về mức thấp, nhu cầu phục hồi, giá cá tra từ đó cũng hồi phục trở lại, những doanh nghiệp tự chủ được nguyên liệu như VHC sẽ được hưởng lợi.
Giá cước vận tải biển tăng có thể gây áp lực lên xuất khẩu thủy sản trong ngắn hạn
- Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ ngày 1/1/2024, nhiều hãng tàu đã thông báo tăng giá cước đi Mỹ, Châu Âu, vốn là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, tạo ra thách thức mới cho các công ty xuất khẩu thủy sản trong năm nay. Việc chi phí vận chuyển tăng trong ngắn và trung hạn có khả năng ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty xuất khẩu như Vĩnh Hoàn.
Nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp
- VHC sở hữu chuỗi giá trị khép kín tự chủ gần như toàn phần và cũng là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam thành công sản xuất Collagen và Gelatin từ da cá tra. Trong những năm gần đây, VHC không ngừng đầu tư mở rộng, cải tạo các nhà máy như nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã đi vào hoạt động trong năm 2022, nhà máy Thành Ngọc với tổng công suất 23.000 tấn/năm hay đầu tư vào dây chuyền C&G (collagen&gelatin), nâng tổng công suất sản xuất lên 7.000 tấn/năm, dự kiến đi vào hoạt động vào Q1/24. Có thể thấy, doanh nghiệp đang tích cực mở rộng ngành nghề kinh doanh, tiết kiệm chi phí đầu vào, cũng như bắt đầu đặt nền móng xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn (biến đầu ra của chuỗi giá trị này thành đầu vào của chuỗi giá trị khác), giúp tăng khả năng cạnh tranh và duy trì mức biên lợi nhuận gộp ổn định so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Cổ phiếu VHC - CTCP Vĩnh Hoàn, vẫn luôn giữ vị thế là 1 trong những doanh nghiệp nổi bật trong ngành, nhưng trong bối cảnh khó khăn chung của ngành thuỷ sản năm vừa qua, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này đã chịu nhiều tác động tiêu cực. Bước sang năm mới, nửa đầu 2024 được dự báo sẽ còn nhiều thách thức khi xuất khẩu thể chưa hồi phục mạnh mẽ, giá cá tra vẫn ở mức thấp. Nhà đầu tư nếu dành sự quan tâm tới doanh nghiệp này, thì những câu chuyện về sự phụ hồi trong giá bán và xuất khẩu cá tra, hay nguồn cung cá tra với biến động giá cá nguyên liệu chính là các yếu tố cần phải theo dõi sát sao trong thời gian tới.
=> Xem thêm: Nhận định cổ phiếu VHC 2024 - Những triển vọng tiềm năng trong thời gian tới