VNINDEX khởi động tuần mới bằng một phiên giảm gần 40 điểm trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại khi NHNN liên tục phát hành tín phiêu để hút ròng. Xu hướng giảm điểm tiếp tục chiếm ưu thế, chỉ số xuyên thủng mốc 1.150 và chỉ nảy lại khi chạm vùng 1.130, nhịp hồi phục xuất hiện 3 phiên cuối tuần, thị trường tạm thời dừng bước ở 1.165 để về chốt tuần tại 1.154,15, VNINDEX giảm 38,9 điểm (-3,26%) so với tuần trước. Trụ tiếp tục là gánh nặng kéo VNINDEX giảm điểm trong đó VHM và VIC lần lượt ảnh hưởng -5 điểm và -4,8 điểm đến chỉ số, tổng cộng 10 mã ảnh hưởng lớn nhất đến VNINDEX lấy đi 26 điểm. Chiều tăng điểm, GAS và VCB hỗ trợ nhẹ giúp VNINDEX tăng 1 điểm và 0,91 điểm. Điểm tích cực là khối ngoại đã trở lại mua ròng trong tuần với giá trị 632 tỷ đồng. Tuy nhiên thanh khoản toàn thị trường giảm dần trong các phiên hồi phục đang là điểm lo ngại lớn nhất hiện tại.
VNINDEX có phiên vận động biên hẹp cuối tuần tạo thành cây nến Doji cho thấy sự lưỡng lự với thanh khoản thấp, trạng thái không thay đổi nhiều so với 2 phiên trước đó, duy trì được vùng cân bằng tạm thời, trước mắt không còn nhóm nào diễn biến tiêu cực. Trên khung chart tuần, chỉ số rút chân khi chạm MA200, tuy nhiên mô hình 2 đỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, những phiên tăng điểm hồi phục đều có khối lượng sụt giảm lớn so với các phiên giảm cho thấy lực cầu vẫn chưa mạnh dạn nhập cuộc. Vùng kháng cự ngắn hạn hiện tại quanh 1.175, là đáy của nhịp giảm giữa tháng 8 và thanh khoản suy giảm đang làm giảm khả năng vượt qua mốc kháng cự này, hỗ trợ hiện tại của VNINDEX đang ở quanh 1.130, tiếp theo là mốc 1.100. Tiếp tục theo dõi thật kỹ về dòng tiền và lực cầu trong các phiên tới, kỳ vọng thị trường ít nhất duy trì được trạng thái này để nhà đầu tư thực hiện tái cấu trúc lại danh mục.
Tóm tắt tin tức và sự kiện tuần 25 - 29/09
- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong Quý III/2023 tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu thương mại do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy xuất khẩu đã tăng trưởng trở lại trong tháng 9, chấm dứt 6 tháng sụt giảm. Dữ liệu kinh tế chính thức gần đây cũng cho thấy lĩnh vực sản xuất đang phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp hàng tháng chuyển biến tích cực từ tháng 5 và đánh dấu tăng trưởng tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 9. (Chi tiết báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý 3 và 9 tháng năm 2023 trong hình)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế, cao nhất là 6%. Cụ thể, với kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5%, quý IV cần tăng 7%; kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%; kịch bản 3 tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.
- Giá cổ phiếu ở Phố Wall đã giảm mạnh trong tháng 9 và trong quý 3. S&P 500 đã giảm 4,9% trong tháng và 3,7% trong quý. Nasdaq giảm 5,8% trong tháng và 4,1% trong quý. Đây là tháng giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ đầu năm. Dow Jones hoàn tất quý và tháng với mức giảm tương ứng là 3,5% và 2,6%.
- Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 4,6%, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2007, khi các nhà đầu tư tiếp thu thông điệp của Cục Dự trữ Liên bang rằng lãi suất sẽ ở mức cao cho đến khi lạm phát được kiểm soát. Sự gia tăng lợi suất đã cản trở thị trường chứng khoán trong khi giúp đẩy đồng đô la lên mức cao nhất trong gần một năm, gây nên những mối lo ngại về vấn đề tỷ giá ở các thị trường mới nổi.
- Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ưa chuộng, tăng 0,1% trong tháng 8 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn một chút so với mức dự báo của các nhà kinh tế là 0,2% và 3,9%.
- Báo cáo tuần từ Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Năm cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua thấp hơn so với dự báo - một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động vẫn thắt chặt sau 11 lần nâng lãi suất của Fed đưa lãi suất quỹ liên bang lên mức cao nhất 22 năm.
- Giá dầu Brent đã tăng 2,2% trong tuần này và tăng 27% trong quý 3. Giá dầu WTI tăng 1% tuần này và tăng 29% trong quý 3. Nhiều nhà đầu tư đã chốt lời khi giá dầu hướng tới mốc 100 USD/thùng, đưa giá dầu chốt tuần tại mức 95,31 USD/thùng với dầu Brent và 90,97 USD/thùng với WTI.
- Từ ngày 21/9 đến 29/9, Ngân hàng Nhà nước đã mở lại nghiệp vụ trên thị trường mở, liên tục thực hiện phát hành tín phiếu. Trong đó, các phiên 21-28/9 ghi nhận giá trị phát hành 10.000 - 20.000 tỷ đồng/phiên. Riêng phiên 29/9, khối lượng giảm còn 3.800 tỷ đồng.
Tính chung trong 7 phiên, NHNN đã phát hành tín phiếu với tổng quy mô gần 93.800 tỷ đồng, qua đó hút về số tiền tương ứng khỏi thị trường. Các đợt tín phiếu này đều có kỳ hạn 28 ngày và được chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất.
- Việc NHNN bắt đầu phát hành tín phiếu trở lại từ ngày 21/9 chủ yếu hướng đến mục tiêu điều tiết tỷ giá, chỉ số DXY Index, đại diện cho sức mạnh của đồng USD đi lên do thị trường lo ngại Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất, là nguyên nhân khiến tỷ giá USD tăng mạnh từ cuối tháng 6 đến nay. Thông qua việc phát hành tín phiếu, NHNN có thể điều tiết thanh khoản hệ thống đang dư thừa và TCTD chưa dùng đến. Bên cạnh đó có thể hạn chế hiện tượng đầu cơ ngoại tệ.
=> Tối ưu hoá lợi nhuận trong giao dịch cùng giải pháp Tư Vấn & Khuyến Nghị của Take Profit - Đón đầu những cơ hội tốt nhất với tính an toàn cao trên thị trường. Đăng ký ngay tại: https://takeprofit.vn/tu-van-khuyen-nghi
Những sự kiện nổi bật tuần mới 02 - 06/10
Tin tức và sự kiện thế giới
- Thị trường bắt đầu quý cuối cùng quan trọng của năm sau với nhiều sự thay đổi thời gian qua, chủ yếu do giá dầu tăng 30%, cùng xu hướng tăng của lợi suất và triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.
- Chứng khoán thế giới vẫn tăng ngoạn mục (8%) trong năm nay, nhưng đã giảm gần 5% trong tháng 9 khiến cổ phiếu ngay cả của những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu cũng đảo chiều. Ngay cả vàng cũng mất mát lớn trong cả tháng 9 cũng như quý 3. Đồng đô la tạm thời là phương tiện an toàn duy nhất ở thời điểm này.
Tuy nhiên, quý 4 được kỳ vọng với đợt bùng nổ cổ phiếu AI vẫn còn tiếp diễn.
- Một số Ngân hàng Trung ương trên thế giới họp bàn về lãi suất
- 03/10: Cuộc họp đầu tiên do Thống đốc mới của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA), Michele Bullock, người phụ nữ đầu tiên đứng đầu ngân hàng nước này, sẽ diễn ra vào thứ 3 (3/10). Nhà đầu tư chờ đợi các tín hiệu từ bà Bullock về việc liệu RBA có thực hiện xong việc tăng lãi suất hay không? Hay liệu có thể tăng lãi suất nhiều hơn sau khi một số dấu hiệu lạm phát âm ỉ trong lĩnh vực dịch vụ? Thị trường hiện tại đang nhận định RBA sẽ tạm dừng tăng lãi suất.
- 04/10: Ngân hàng Dự trữ New Zealand sẽ họp vào thứ Tư (4/10). Ngân hàng này vẫn giữ quan điểm thắt chặt tiền tệ trong thời gian lâu dài. Dự kiến ngân hàng này giữ nguyên lãi suất trong tháng 10, nhưng những dữ liệu kinh tế sắp tới sẽ là sơ sở để có thể có một động thái thắt chặt vào tháng 11.
- 04/10: Cũng trong ngày 4/10, các nhà hoạch định chính sách Ba Lan sẽ họp để quyết định bước tiếp theo về lãi suất. Đầu tháng 9, thống đốc ngân hàng trung ương Ba Lan Adam Galinsky đã khiến thị trường choáng váng khi đưa ra mức cắt giảm lãi suất 75 điểm cơ bản, lớn hơn nhiều so với dự kiến, xuống còn 6% cho nền kinh tế lớn nhất trong nhóm các nền kinh tế mới nổi ở châu Âu, nơi lạm phát vẫn ở mức hai con số. Điều này làm tăng thêm áp lực về mặt tài chính, bao gồm các cam kết chi tiêu hào phóng trên mọi lĩnh vực chính trị, làm dấy lên mối lo ngại về triển vọng lạm phát.
- 06/10: Công bố tỷ lệ thất nghiệp Mỹ.
Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy các nhà kinh tế ước tính nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 150.000 việc làm trong tháng 9 so với 187.000 trong tháng 8. Nếu dữ liệu công bố cho thấy con số cao hơn ước tính trên thì có thể sẽ củng cố lập trường của Fed với lãi suất 'cao hơn trong thời gian dài hơn'.
Tin tức và sự kiện trong nước
- Lịch chốt quyền cổ tức tuần 02 - 06/10: Theo thống kê, có 24 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức trong tuần, trong đó, 19 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, 3 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, 2 doanh nghiệp trả cổ tức kết hợp cả cổ phiếu và tiền mặt, với mức cổ tức tiền mặt cao nhất là 13% và thấp nhất là 1%. (Chi tiết trong hình).
- 2/10: Công bố chỉ số quản lý thu mua (PMI)
Trước đó, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 8/2023 đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện. Các nhà sản xuất ghi nhận số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu trong sáu tháng, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vẫn nhẹ khi nhu cầu còn yếu.
- Với 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cả năm (5%, 5,5% và 6%), Thủ tướng lựa chọn kịch bản tăng trưởng GDP cả năm 6% để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể cho năm 2023. Để đạt được kết quả này, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và tăng cường hợp tác công tư (PPP), thu hút FDI có chọn lọc, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh..
- Cùng với tín hiệu đầy tích cực về đơn hàng xuất khẩu, Việt Nam đang thực sự trở thành thỏi nam châm thu hút các doanh nghiệp FDI, những doanh nghiệp lớn hàng đầu thế giới về đầu tư. Thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng tích cực, với tổng vốn đăng ký trong 9 tháng qua vượt ngưỡng 20 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Vốn giải ngân đạt hơn 15,9 tỷ USD. Không khí rất sôi động, đặc biệt khi trong chuyến công du tới Hoa Kỳ, Brazil mới đây, Thủ tướng Phạm Minh chính tiếp hàng loạt tập đoàn lớn từ Apple, Google, Boeing, Siemens. Tất cả đều bày tỏ mối quan tâm lớn tới điểm đầu tư ở Việt Nam. Theo đó, các nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trực tiếp từ sự gia tăng nguồn vốn FDI.
Ngoài ra, một số nhóm ngành hưởng lợi với những tín hiệu tích cực về đơn hàng xuất khẩu như Thủy sản, Gỗ, Dệt may, Nông sản, Cao su..
Người thực hiện: Hương Lan.
=> Xem thêm: Nhận định thị trường chứng khoán hôm nay 29/09 | Kết thúc quý 3 - Lên kế hoạch giao dịch cho quý 4